Saturday, November 8, 2008

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y tổng kết 3 năm về đầu tư-xây dựng-phát triển

Ngày 6/11, Hội nghị tổng kết 3 năm (2005-2008) về đầu tư-xây dựng-phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được tổ chức tại Hà Nội. Đây là khu kinh tế có vị trí địa chính trị - địa kinh tế rất thuận lợi nằm trong hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam. Có 01 cửa khẩu Quốc tế với Lào và 01 của khẩu quốc gia với Campuchia và là trung tâm trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, gắn kết với hành lang kinh tế Đông – Tây đã được Thủ tướng 3 nước phê duyệt quy hoạch tại Tuyên bố Viêng Chăn về việc thiết lập tam giác phát triển 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Khu kinh tế có vai trò là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Tây Nguyên và khu vực, là điểm nhấn trong chiến lược liên kết nhằm tạo cơ hội hợp tác, phát triển đồng đều giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông MêKông.
Ngày 8/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 225/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung với mục tiêu đến năm 2025 định hướng xây dựng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có tổng diện tích tự nhiên 71.138ha; trong đó xây dựng đô thị biên giới loại II với diện tích 22.000ha, gồm khu đô thị 18.552 ha; khu cửa khẩu quốc tế với Lào 220ha; cửa khẩu quốc gia với Campuchia khoảng 150ha; khu thương mại quốc tế 450ha; khu công nghiệp tập trung và khu công nghệ cao 1.750ha; khu sân bay thương mại quốc tế 700ha và các khu chức năng khác. Đến nay, Ban quản lý Khu kinh tế đã tạo điều kiện cho 36 dự án đang triển khai với diện tích 2.510ha. Tuy vậy, tính đến hết tháng 9 năm nay, UBND tỉnh Kon Tum mới giao cho Ban quản lý trên 304ha và mới có 9 dự án được phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng với diện tích chỉ hơn 122ha.

Ông Nguyễn Thế Đạt, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế của khẩu quốc tế Bờ Y cho rằng: Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có văn bản hướng dẫn để UBND tỉnh Kon Tum và các ban, ngành trong tỉnh có liên quan giao một lần toàn bộ quỹ đất cho Khu kinh tế, để thực hiện đúng nội dung các Quyết định của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài nguyên đất ở đây thống nhất về một đầu mối.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Học, chuyên gia quy hoạch đất Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội nhận xét: Nguyên nhân chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng để đầu tư các dự án tại Khu kinh tế của khẩu quốc tế Bờ Y là do toàn bộ quỹ đất của Khu kinh tế địa phương chưa giao cho Ban quản lý. Dẫn đến việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất ở đây chưa thật hiệu quả, như quy hoạch sử dụng đất cấp xã trong Khu kinh tế không theo quy hoạch chung. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực hiện chiến lược phát triển Khu kinh tế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn bị hạn chế, làm giảm tiến độ đầu tư, chưa thực hiện được cải cách hành chính... Do đó, tình trạng mua bán trái phép đất đai, xây dựng không phép, lấn chiếm... diễn biến phức tạp trong Khu kinh tế nên khi triển khai các dự án đầu tư bị vướng mắc. Nhất là khi có Công văn 5787 ngày 3/9/2008 của Văn phòng Chính phủ về việc soạn thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, chuyển đầu mối quản lý hành chính theo hướng Ban quản lý trực thuộc UBND tỉnh Kon Tum, mà không còn trực thuộc Chính phủ như từ trước đến nay. Ngay sau đó, một số nhà đầu tư đang chuẩn bị đầu tư đã tạm dừng lại, một số khác im lặng không triển khai tiếp các bước tiếp theo để chờ kết quả về sự thay đổi cơ chế chính sách đối với Khu kinh tế mới quyết định có tiếp tục đầu tư hay không.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên những vấn đề, bức xúc khi đầu tư vào đây. Ông Phạm Khắc Uyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần thương mại Đông Dương kiến nghị: Chính phủ nên ổn định chính sách vĩ mô, các văn bản để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Khu kinh tế. Còn các nhà đầu tư trong Khu kinh tế cũng nên thành lập CLB để có thể chủ động tổ chức hội nghị và cân nhắc để có những đề xuất, đối thoại về cơ chế, chính sách…

Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều cùng chung ý kiến: cần có chính sách vĩ mô cho sự ổn định từ 10 năm trở lên nhằm tạo điều kiện và thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đến đầu tư tại khu kinh tế.

Thu Hiền
Source:baoxaydung.com.vn
Một số bài báo liên quan:

Phát triển đô thị Việt Nam - Những chương trình, dự án nào được ưu tiên đầu tư?
(09/09/2008) Theo dự thảo Điều chỉnh Định hướng quy hoạch (QH) tổng thể phát triển hệ thống đô thị (ĐT) Việt Nam đến năm 2025 do Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và nông thôn chủ trì nghiên cứu, sẽ có một số chương trình, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng ĐT được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Chi tiết...

Kon Tum: Thêm hai dự án vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y
(16/08/2008) Tháng 8 năm nay, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) có thêm 2 dự án đầu tư. Chi tiết...

Đầu tư xây dựng kho ngoại quan kiêm cảng nội địa cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum)
(13/08/2008) Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư trị giá 900 tỷ đồng cho Công ty cổ phần địa ốc MB (MB LAND, Hà Nội) để thực hiện dự án xây dựng kho ngoại quan kiêm cảng nội địa tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Chi tiết...

Kon Tum: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác thế mạnh của ba vùng kinh tế động lực
(04/07/2008) Tỉnh ủy Kon Tum đã họp nhất trí đề ra các nhóm giải pháp đặc thù để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng thế mạnh của ba vùng kinh tế động lực gồm: Vùng kinh tế động lực thị xã Kon Tum gắn với các khu công nghiệp vệ tinh; vùng kinh tế huyện Ngọc Hồi gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông gắn với khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen. Chi tiết...

Khởi công xây dựng khách sạn Đông Dương tại KKT CK Bờ Y
Ngày 04/02/2007 Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Phước Thành Vinh tổ chức Lễ động thổ xây dựng kháh sạn quốc tế Đông Dương tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y với tổng vốn đầu tư hơn 68 tỷ đồng. Chi tiết...

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

Recent Posts