Thursday, October 30, 2008

Địa phương và cuộc cạnh tranh vốn FDI

Ngày 27-10-2008
Cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa các địa phương đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết sau hai năm quyết định phân cấp có hiệu lực. Tuy vậy, kết quả của nó đang đặt ra những câu hỏi về năng lực địa phương, cũng như cơ cấu của luồng vốn đang ào ạt đổ vào Việt Nam này.

Hồi đầu năm nay, các quan chức đứng đầu tỉnh Hải Dương tổ chức một buổi lễ long trọng tiếp đón ông chủ tịch một tập đoàn lớn ở châu Á. Ông chủ tập đoàn này bày tỏ dự định đầu tư một dự án lên tới hàng trăm triệu USD trong lĩnh vực công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Thế là, tỉnh này cắt cử một đoàn cán bộ tháp tùng ông chủ tịch tập đoàn đó đi khắp nơi này nơi kia.

Sau đó ít lâu, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng tiếp đón vẫn là ông chủ đó với những buổi thết đãi, những chuyến khảo sát, những lời cam kết còn nồng hậu hơn cả Hải Dương.

Cuối cùng, ông chủ tư bản đã chọn Vĩnh Phúc để triển khai dự án. Trong cuộc gặp mặt trực diện cuối tuần trước về chủ đề thu hút đầu tư tổ chức tại Vĩnh Phúc, lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình và Hải Dương thừa nhận họ lấy làm tiếc công khi lao vào một cuộc đua không dẫn đến đâu. “Giá mà giữa chúng ta chia sẻ thông tin, hay thông tin thông suốt từ trung ương thì tốt hơn”, ông Hoàng Đình Thạch phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nói.

Sự chồng chéo, hay cạnh tranh gay gắt giữa các địa phương, chỉ là một phần nhỏ trong những lo lắng ngày càng lớn của các nhà quản lý về ảnh hưởng của tác động phân cấp này. Chỉ trong vòng hai năm, kể từ khi quyết định phân cấp cho địa phương có hiệu lực, vốn FDI đăng ký đã bằng một nửa của tổng số 142 tỉ USD tích tụ trong hơn hai thập kỷ qua. Riêng trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước đã cấp phép cho 953 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 58,3 tỉ USD, tăng gấp gần sáu lần so với cùng kỳ năm ngoái.

“Việc phân cấp được giao cho các tỉnh đã khuyến khích các địa phương đua nhau mời gọi đầu tư, mời gọi nhượng quyền sử dụng đất cho các ông chủ tư bản để “thu vén thêm” cho ngân sách địa phương…”

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa (đại học Quốc gia Hà Nội)

Chứng kiến những chuyện trên, cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng đã đưa ra nhiều vấn đề nổi cộm liên quan tới khu vực đầu tư nước ngoài. Đó là đình công kéo dài, ô nhiễm môi trường, cấp phép đầu tư ồ ạt gây lãng phí về tài nguyên đất, năng lượng, phá vỡ quy hoạch trong các ngành công nghiệp trọng yếu. Ông Thắng đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đã chủ động trong hoạt động xúc tiến đầu tư hay chưa? Theo tôi câu trả lời là “chưa”.

“Thổi phồng” dự án

Trong khi đó, thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã bày tỏ mối lo ngại: “Chúng tôi rất e ngại nhà đầu tư khai vống tổng vốn đầu tư. Dự án có thể chỉ sử dụng 500 triệu USD, 500 hecta đất nhưng họ đăng ký tới 1 tỉ USD, sử dụng hàng nghìn hecta đất”. Lý do của việc “thổi phồng” các dự án này, theo ông Dũng, là các nhà đầu tư muốn chính quyền các địa phương nhanh chóng cấp giấy chứng nhận đầu tư, phô trương uy thế để huy động vốn, và được cấp nhiều đất đai.

Trong báo cáo về kinh tế Việt Nam, nhóm chuyên gia Harvard, bao gồm các học giả tên tuổi như David Dapice, Vũ Thành Tự Anh, Jonathan Pincus, Ben Wilkinson… đã bày tỏ “Đáng lo ngại hơn là thực tế rằng làn sóng FDI năm nay chủ yếu là do việc cấp phép cho một số dự án quy mô khổng lồ. Trong bảy tháng đầu năm 2008, có tám dự án chiếm đến 75% tổng vốn FDI được đăng ký”.

Họ đặt câu hỏi về tính chính xác về chi phí đầu tư và động cơ của các nhà đầu tư. “Liệu có thực tế hay không khi kỳ vọng một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư đến 4 tỉ USD vào một khu đô thị mới nằm ở một tỉnh nhỏ như Phú Yên? Liệu một đại gia Malaysia có thật sự rót một núi tiền lớn hơn ngân sách giáo dục hàng năm của cả Việt Nam, chỉ cho một khu đại học”. Họ cũng đưa ra một giả thiết, rằng các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích phóng đại các con số đầu tư nhằm gây ấn tượng với các chính quyền địa phương. “Nếu thật sự điều này xảy ra thì chính sách thu hút đầu tư lại không hiệu quả và có khi còn phản tác dụng, vì nó sẽ đẩy giá đất lên cao, làm nản lòng các nhà đầu tư nghiêm túc,…” các tác giả viết.

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc phân cấp được giao cho các tỉnh đã khuyến khích các địa phương đua nhau mời gọi đầu tư, mời gọi nhượng quyền sử dụng đất cho các ông chủ tư bản để “thu vén thêm” cho ngân sách địa phương. Cơ chế hiện nay đã tạo cho chủ tịch tỉnh quá nhiều quyền, như ký giấy thu hồi và cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư, duyệt quy hoạch, duyệt giá đất, đánh giá tác động môi trường,… “Chỉ trong thời gian khá ngắn, bờ biển đẹp, các nguồn tài nguyên đã mau chóng được chuyển đến tay những ông chủ mới; những dự án gây ô nhiễm, suy thoái môi trường… đã được chuyển nhanh vào nước ta”, ông Nghĩa nói trong một cuộc góp ý về thông tư hướng dẫn luật Đầu tư tháng 9 vừa qua.

Tư Giang
From: sgtt.com.vn

No comments:

Post a Comment

Add to Technorati Favorites

Recent Posts