Khu vực Tam giác phát triển lại có thêm động lực mới khi Bản ghi nhớ về xây dựng Cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho Khu vực Tam giác phát triển vừa được các bên ký kết tại Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ V diễn ra tại Thủ đô Vientinane (CHDCND Lào) ngày 26/11/2008 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ ba nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng CHDCND Lào nhấn mạnh rằng, việc thành lập Khu vực Tam giác phát triển không chỉ cải thiện tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống của người dân trong Khu vực, mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ba nước.
Trong bài phát biểu trước 300 đại biểu đến từ ba nước tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Hội nghị là dịp tốt để trao đổi hợp tác giữa ba nước và với sự nỗ lực của các bên, Khu vực Tam giác phát triển sẽ trở thành khu vực kinh tế năng động, phát triển ổn định.
Theo mục tiêu đề ra, Việt Nam và Campuchia phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD vào năm 2010. Việt Nam và Lào cũng quyết tâm phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD vào năm 2010; 2 tỷ USD vào năm 2015 và trên 5 tỷ USD vào năm 2020.
Khu vực Tam giác phát triển hiện có tiềm năng lớn về thương mại, đầu tư, nông nghiệp, năng lượng, giao thông, du lịch. Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, tại Khu vực Tam giác phát triển, nhiều dự án lớn đầu tư vào thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển và chế biến sản phẩm cây công nghiệp có giá trị cao… đã và đang được triển khai. Hầu hết các dự án của doanh nghiệp Việt Nam tập trung tại các tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển. Tổng vốn mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào khu vực này chiếm 60-80% tổng vốn đầu tư vào Campuchia và Lào. Riêng tại Lào, con số này là 85,24%, tương đương hơn 490 triệu USD.
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy ở Lào, Campuchia cơ hội đầu tư vào du lịch, khoáng sản, xây dựng, viễn thông, chế biến gỗ. Các doanh nghiệp Lào, Campuchia có thể cung ứng cho Việt Nam những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch khá hấp dẫn.
Tới nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Tổng công ty Sông Đà, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông quân đội… đã tham gia thực hiện dự án thủy điện, bưu chính - viễn thông, trồng cây công nghiệp… tại Lào và Campuchia. Các doanh nghiệp Lào và Campuchia cũng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam tập trung trong một số lĩnh vực như dịch vụ giao thương, buôn bán hàng tiêu dùng…
Mặc dù có những bước tiến đáng khích lệ, nhưng trong quá trình đi lên, Khu vực Tam giác phát triển còn gặp không ít trở ngại. Chính vì vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CHDCND Lào Bouasone Bouphavanh và Thủ tướng Campuchia Samdec HunSen, để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế 3 nước nói chung và tại Khu vực Tam giác phát triển nói riêng, cần khuyến khích đẩy mạnh đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp; tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng điện, hợp tác thăm dò khai thác khoáng sản, trồng và chế biến cây công nghiệp có giá trị cao; tăng cường các giải pháp và cơ chế chính sách thúc đẩy hợp tác phát triển và tập trung vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm tạo môi trường đầu tư thuận tiện cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, cùng kêu gọi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào một số lĩnh vực để sớm hình thành cơ sở vật chất cần thiết cho mục tiêu phát triển trong Khu vực tam giác.
Tuy còn gặp một số khó khăn, song theo đánh giá chung của Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ V, tình hình kinh tế - xã hội tại Khu vực Tam giác phát triển đang từng ngày thay đổi và chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Đây là thực tế được Hội nghị Ủy ban Điều phối chung ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ ba diễn ra trước đó ghi nhận. Với sự phối hợp chặt chẽ của các bên, cùng với việc kêu gọi các nhà tài trợ, chắc chắn những tiềm năng của Khu vực Tam giác phát triển sẽ sớm được khai thác và kinh tế khu vực này sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc.
Source: VIR
No comments:
Post a Comment