Thực tế 30 ca nhập viện vì ngộ độc rượu tại TP HCM thời gian qua, cho thấy, nhiều người chỉ mới uống vài ly đã có dấu hiệu mê man.
Một bệnh nhân ngụ ở quận 2 may mắn thoát chết sau khi nhập viện vì rượu độc cho biết, hôm đó anh chỉ uống đúng 4 ly thì đã thấy mệt lả người. “Mới đầu, tôi ngỡ mình bệnh, nhưng gần một ngày sau vẫn không dậy được, nhập viện mới biết mình bị ngộ độc methanol”, anh nói.
Dân nhậu cầy vẫn vô tư dùng rượu không nhãn mác. Ảnh: Thiên Chương |
Điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với đôi mắt giảm thị lực do chất độc trong rượu gây nên, một nạn nhân methanol cho biết, anh chỉ uống vài ly với bạn bè. Uống xong vẫn tỉnh táo nhưng gần một ngày sau mới bắt đầu thấy mệt. Theo người nhà bệnh nhân, do thấy anh này uống ít lại không quá say nên khi thấy anh than mệt, gia đình chủ quan không chuyển viện sớm.
Gần 10 người khác từng điều trị do ngộ độc rượu tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, 115, cũng tỏ ra ngạc nhiên khi nhập viện vì trước đó họ chỉ uống chưa đến 10 ly nhỏ.
Theo bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, tùy theo sự nhạy cảm của từng cơ địa mà methanol gây phản ứng khác nhau, tuy nhiên do đây là chất cực độc, nên liều gây độc là rất thấp. “Chỉ với 7 ml methanol, người uống đã có thể hôn mê sâu và chết nếu chậm cấp cứu”, bà Hương nói.
Rượu không nguồn gốc được cho vào chai nước ngọt, nước suối chờ bán. Ảnh: Thiên Chương |
Bác sĩ Hương, cho biết, khi uống, rượu có chứa methanol chậm say hơn rượu thật nhưng đào thải chậm và tích lũy dần dần. Methanol được chuyển hóa trong cơ thể người bằng phản ứng oxy hóa biến thành formaldehyde và axit formic, và đây là axit cực độc mà chỉ cần một lượng nhỏ cũng khiến tế bào thần kinh ngừng hô hấp, gây rối loạn khả năng nhìn hoặc tử vong.
Cũng theo bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương, liều gây độc được tính trên hàm lượng methanol có trong rượu. Hàm lượng methanol càng cao thì tính gây độc càng cao. Cho nên không thể nói uống ít không gây ngộ độc. Với những loại rượu chứa đến 40% methanol như Sở Y tế TP HCM từng phát hiện, thì chỉ cần 1 - 2 ly, đã có thể bị trúng độc.
Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thì cho rằng, trước tình trạng ngộ độc rượu xảy ra liên tiếp, biện pháp tốt nhất để phòng ngộ độc không phải là uống ít, mà là không nên uống, nhất là các loại rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác.
“Trường hợp trót uống và thấy có dấu hiệu mệt mỏi kéo dài, người nhà cần khuyên bệnh nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra. Việc để người say ở nhà nhiều ngày, tự chữa trị bằng cách cho uống thuốc, đánh gió… càng dễ khiến quá trịnh ngộ độc sâu, khó cứu chữa hơn”, bác sĩ Giao nói.
Via: VNE
No comments:
Post a Comment