Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thì tới năm 2010, các dự án đầu tư tại khu kinh tế Dung Quất cần khoảng 31.000 lao động (LĐ), trong đó số LĐ qua đào tạo phải chiếm 80% - nghĩa là khoảng 25.000 người. Đó là bài toán không dễ tìm đáp số.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt phương án đào tạo cung ứng 25.000 LĐ với kinh phí trên 212 tỉ đồng, nhưng trong đó số LĐ phổ thông chiếm khoảng 18.000 người (tính chung cả LĐ gọi là "sơ cấp", vì đào tạo theo kiểu "sơ cấp" này thì chất lượng thế nào ai cũng đã biết).
Đã có một trường dạy nghề tại Dung Quất hoạt động từ mấy năm nay, nhưng chất lượng đào tạo nghề còn rất nhiều bất cập. Nhiều học sinh khi tốt nghiệp ở trường này về LĐ tại các doanh nghiệp ngay tại Dung Quất thì các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Những hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng đã có nhưng chưa nhiều và chất lượng cũng chưa đảm bảo.
Trong khi Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất chỉ còn hơn 100 ngày nữa là chính thức đi vào hoạt động, thì nhu cầu công nhân kỹ thuật ở nhiều lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho nhà máy lọc dầu, rồi các nhà máy hóa dầu đang rất "nóng", nhưng nguồn cung ứng vẫn chưa tính được một cách cụ thể. Nói cung ứng LĐ ở đây là nói tới LĐ có tay nghề, thậm chí có tay nghề ở mức khá cao, là điều mà lâu nay nước ta có quá ít trường dạy nghề có thể bảo đảm là đáp ứng đúng mức.
Câu nói "thừa thầy thiếu thợ” mà ta hay nghe lâu nay than phiền về tình trạng thừa kỹ sư mà thiếu thợ lành nghề, thực ra cũng chưa chính xác. Chúng ta đang "thừa” những kỹ sư thiếu những kỹ năng nghề nghiệp đúng mức kỹ sư, nghĩa là về mặt này, chúng ta vẫn đang thiếu.
Thực tế ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ở các doanh nghiệp vận hành với kỹ thuật cao tại Dung Quất, tình trạng không chỉ thiếu công nhân lành nghề, mà còn thiếu rất nhiều kỹ sư thực sự có trình độ, có ngoại ngữ, có thể tiếp thu tốt những quy trình kỹ thuật cao mà các chuyên gia nước ngoài "trao truyền" là có thật. Và tình trạng này chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn trước mắt, khi phương pháp đào tạo tại các trường đại học của chúng ta vẫn theo cách "thầy đọc trò chép" và chương trình học chỉ nặng về lý thuyết… suông. Học như thế thì khi ra trường bắt buộc nhà tuyển dụng phải đào tạo lại nếu tiếp nhận, làm kéo dài thời gian học một cách phí phạm.
Đã có tình trạng như ở Quảng Ngãi, khi các nhà tuyển dụng được khuyến cáo cần ưu tiên số một cho con em tỉnh nhà, đặc biệt là con em ở khu kinh tế Dung Quất, nhưng sau mỗi lần sát hạch, thì số thí sinh quê Quảng Ngãi, quê Dung Quất đã ít, mà số được nhận vào làm việc còn quá ít.
Đó là điều đau lòng cho một địa phương như Dung Quất, như Quảng Ngãi, nơi người dân đã phải hy sinh rất nhiều cho sự hình thành và phát triển của khu kinh tế, của nhà máy lọc dầu. Làm thế nào để có thể thu nhận tối đa con em ở Dung Quất, Bình Sơn, Quảng Ngãi vào làm việc, đó là câu hỏi mà một cuộc hội thảo về "Nguồn nhân lực cho Dung Quất" vừa được tổ chức ngay tại Dung Quất đã cấp thiết đặt ra. Đã có nhiều phương án nhằm giải quyết việc đào tạo nhân lực cho Dung Quất, nhưng phương án nào cũng không thể bỏ qua các trường dạy nghề.
Vấn đề bây giờ là làm thế nào nâng cấp các trường dạy nghề đã có, và hình thành thêm những trường dạy nghề mới, với chương trình đào tạo hướng theo chuẩn quốc tế, nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu nhân lực ngay tại Dung Quất. Một khi nhà máy lọc dầu số 1 nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm theo thiết kế ban đầu lên 10 hay 12 triệu tấn/năm như chủ trương của Chính phủ, thì nhu cầu nhân lực có tay nghề cao càng trở nên cấp thiết.
Thanh Thảo
Via: thanhnien.com.vn
No comments:
Post a Comment