“Việc tổ chức luân phiên Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại khu vực Tam giác phát triển một lần nữa thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của ba nước chúng ta với lòng mong muốn phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có, bổ sung cho nhau, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển của các tỉnh trong khu vực Tam giác ba nước với các vùng, miền khác của mỗi nước như đã thoả thuận tại các Hội nghị cấp cao ba Thủ tướng ba nước”.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại Khu vực Tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 3 vừa tổ chức tại Pakse (Lào) đầu tuần này.
Cơ hội lớn cho đầu tư, thương mại
Tại Hội nghị, đại diện 10 địa phương của ba nước nằm trong Tam giác phát triển đã giới thiệu nhiều lợi thế trên các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư của các địa phương, thông qua đó các doanh nghiệp có thêm thông tin đề ra quyết định đầu tư vào khu vực này.
Là người “đăng đàn” đầu tiên, ông Chan Yoeun, Phó tỉnh trưởng Mondol Kiri của Campuchia, cho biết, thế mạnh của tỉnh Mondol Kiri nói riêng và các địa phương nằm trong Tam giác phát triển nói chung là đất đai rộng phù hợp cho phát triển của những cây công nghiệp như cao su, sắn, gỗ; có nhiều tài nguyên khoáng sản như boxit, sắt, vàng, đá granit, than; có nhiều sông suối có thể xây dựng thuỷ điện; có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp và hoang dã dễ thu hút khách du lịch trong và ngoài khu vực đến thăm quan, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn chưa được đưa vào khai thác có hiệu quả, đem lại đời sống ấm no cho những người dân nơi đây.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Trần Quang Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho rằng sở dĩ có tình trạng như trên là do khu vực này vẫn chưa có được một quy hoạch tổng thể đáp ứng được yêu cầu phát triển cho cả vùng. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của các địa phương còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng như giao thông, điện... vẫn chưa được đầu tư phát triển đúng mức khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi muốn đầu tư, kinh doanh tại khu vực Tam giác phát triển.
Tỉnh trưởng tỉnh Atapu của Lào đại diện cho ba tỉnh liền kề của Lào nằm trong Tam giác phát triển là tỉnh Secon và tỉnh Salavan, kiến nghị Chính phủ ba nước cần coi Tam giác phát triển là khu vực ưu tiên phát triển để làm cho đời sống người dân nơi đây theo kịp các địa phương khác, xoá dần đi khoảng cách giàu nghèo so với những khu vực có điều kiện phát triển tốt hơn. Ông cũng đề nghị Chính phủ ba nước cần có những chính sách ưu đãi về thuế, lao động, tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư.
Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi chung
Cũng trong khuôn khổ hội nghị này, đại diện các cơ quan xây dựng chính sách của ba nước đã phối hợp đề xuất 9 nội dung kiến nghị cụ thể để lãnh đạo cấp cao của ba nước quyết định trong thời gian tới. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Mặc dù các đề xuất này trong thời gian qua thông qua các Hiệp định song phương giữa ba nước đã được thực hiện hiệu quả trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, đối với khu vực Tam giác phát triển, vẫn cần có một sự đồng thuận chung của ba nước trong từng lĩnh vực cụ thể.”
Trong lĩnh vực đầu tư, đại diện các nước đều thống nhất cao với đề xuất của Việt Nam đề nghị cho phép các sản phẩm do các dự án đầu tư của nước này sản xuất tại nước kia trong Tam giác phát triển được vận chuyển qua biên giới ba nước với thủ tục đơn giản nhất.
Bên cạnh đó, cần xác định danh mục dự án đầu tư cần kêu gọi đầu tư của mỗi nước trong Tam giác phát triển để gọi vốn nội khối và từ bên ngoài với các ưu đãi áp dụng cho nội khối phù hợp với luật pháp và chính sách mỗi nước và thông lệ quốc tế.
Trong đó tập trung gọi vốn và tăng cường đầu tư cao nhất bằng khả năng của mỗi nước đối với dự án nâng cấp và làm mới cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, các nhà máy điện, nhà máy cấp nước. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư chung cho cả ba nước trong khu vực Tam giác phát triển với kinh phí đủ cho hoạt động.
Đối với lĩnh vực thương mại, các đại biểu cũng thống nhất với sáng kiến của Việt Nam khi đề xuất đối với hàng hoá trong khu vực Tam giác phát triển không phải kê khai nộp thuế; các cặp cửa khẩu được phép làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá chính ngạch theo hợp đồng thương mại là các cửa khẩu chính và quốc tế giữa ba nước.
Giảm 50% thuế nhập khẩu hàng hoá xuất xứ từ mỗi nước vào các nước khác trong khu vực Tam giác phát triển và thống nhất mở rộng chủng loại hàng hoá thuộc diện hưởng thuế xuất nhập khẩu 0% trình Chính phủ các bên xem xét quyết định.
Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia, ông Suon Sithy, nhấn mạnh, Chính phủ ba nước cần xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù cho Tam giác phát triển, bởi theo ông, nếu không có được cơ chế chính sách đặc thù thì Tam giác phát triển sẽ không thể phát triển đúng như mong muốn của lãnh đạo ba nước đã ký kết.
Ông Sulivong Daravong, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, những đề xuất tại Hội nghị này sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh Campuchia - Lào - Việt Nam vào tháng 11 tới và là cơ sở để tạo điều kiện ưu đãi cho các thành phần kinh tế thực hiện đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển.
Minh NhậtSource: vir.com.vn
-----------------------------------------------------------------------
Cùng dựa vào dãy Trường Sơn để phát triển kinh tế
|
Cập nhật 18-08-2008 “Trong kháng chiến, Việt Nam và Lào đã dựa vào dãy Trường Sơn để bảo vệ đất nước, ngày nay sống trong hòa bình, hai nước nên cùng dựa vào dãy Trường Sơn để phát triển kinh tế; hai nước cần sớm nâng quan hệ hợp tác đầu tư lên ngang tầm với mối quan hệ chính trị đặc biệt thân thiết, gắn bó lâu đời, đang ngày càng được củng cố và phát triển”. | Đó là tâm nguyện được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị Doanh nghiệp hai nước Lào - Việt Nam, vừa được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào nhằm nắm bắt những vướng mắc và tìm biện pháp tháo gỡ trong hoạt động đầu tư giữa hai nước, đặc biệt là đầu tư của Việt Nam tại Lào.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã giao cho hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư của hai nước rà soát lại những vấn đề liên quan đến quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời đối với từng dự án cụ thể. Hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ duy trì cơ chế trao đổi thường xuyên để phối hợp tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư.
Tại Hội nghị nêu trên, ông Humpheng Tulalay, Cục trưởng Cục Xúc tiến và Quản lý đầu tư trong nước và nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, số lượng dự án của Việt Nam xin phép đầu tư tại Lào tăng liên tục trong thời gian qua. Các dự án của Việt Nam đầu tư tại Lào thuộc nhiều lĩnh vực, với quy mô đa dạng, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, khai khoáng. Gần đây, lĩnh vực du lịch thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam, sau khi lượng khách du lịch quốc tế đến Lào tăng mạnh (1,8 triệu lượt người trong năm 2007).
Theo ông Humpheng Tulalay, đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có đóng góp cho Ngân sách Nhà nước Lào, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho nhân dân, góp phần phát triển các địa phương và phát triển kinh tế của nước Lào nói chung. Hiện nay, Chính phủ Lào đang xem xét 24 dự án, chủ yếu tập trung vào các ngành nông nghiệp, khai khoáng, năng lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh các dự án triển khai có hiệu quả, một số nhà đầu tư của Việt Nam tại Lào chưa thực hiện dự án đúng tiến độ như đã thỏa thuận, một số dự án đã được cấp phép mà chưa triển khai thực hiện, có trường hợp chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ ba. Một số nhà đầu tư chưa phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của Lào, ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp có một số dự án chưa có hợp đồng đã tiến hành khai hoang. Việc bảo vệ môi trường của nhiều dự án chưa được thực hiện như đã thỏa thuận, nhất là các dự án trong lĩnh vực khai khoáng.
Để khắc phục những nhược điểm đó, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào nghiêm túc chấp hành luật pháp của nước bạn, phải thực hiện đúng cam kết và làm tròn trách nhiệm của nhà đầu tư, tuân thủ nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã nêu ra một số khó khăn trong hoạt động đầu tư tại Lào, nhất là về thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư và khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Về môi trường đầu tư tại Lào, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh giá là chưa hoàn chỉnh về luật pháp, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu hệ thống tra cứu thông tin, chính sách hay thay đổi, vận dụng chính sách không thống nhất.
Thủ tục cấp phép đầu tư nước ngoài tại Lào được nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận xét là còn chậm, chưa thống nhất được quy trình thủ tục xem xét dự án. Nhiều nhà đầu tư Việt Nam tại Lào cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, thủ tục cấp đất, ký hợp đồng thuê đất không rõ ràng, không thống nhất, khiến việc giao nhận đất bị chậm. Việc khống chế tỷ lệ lao động nước ngoài ở mức 10% là ít, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong một số giai đoạn thực hiện dự án.
Thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, giấy phép lưu trú còn phức tạp, chi phí làm các loại giấy phép này cao. Chính sách thuế chưa thống nhất, có hiện tượng đánh thuế trùng. Trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa thiết bị, thủ tục hải quan còn nhiều rườm rà. Quy định của các cửa khẩu chưa thống nhất...
Các nhà lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã lắng nghe và chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sulivong Dalavong cho biết, Lào đang xây dựng và sửa đổi luật pháp theo hướng rõ ràng hơn, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông xác nhận là có dư luận cho rằng Luật Khoáng sản hiện hành của Lào trao quyền cho cán bộ nhà nước nhiều quá.
Bộ trưởng Sulivong Dalavong thừa nhận rằng, Lào chưa có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông, trong giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư cần bàn bạc kỹ với chính quyền các địa phương. Quan điểm của Chính phủ Lào là nhà đầu tư có trách nhiệm tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phụ của dự án.
Phạm Thanh Source: vir.com.vn
|
|
No comments:
Post a Comment