|
Việt Nam dự kiến nhà máy đầu tiên sẽ hoạt động năm 2020 |
Tại một hội thảo quốc tế về điện hạt nhân ở Hà Nội hôm 31.10, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, TS. Vương Hữu Tấn, nói mỗi nhà máy có hai lò phản ứng và tổng công suất hai nhà máy khoảng 4000MW.
Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua vào đầu năm sau, công việc xây dựng sẽ tiến hành vào 2012 và nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2020.
Đây là một dự án gây tranh cãi, với ý kiến cho rằng không nên xây một lúc bốn lò phản ứng.
Chuẩn bị nhân lực
Nói với báo điện tử VietnamNet, Viện trưởng Vương Hữu Tấn cho biết Viện của ông cùng năm trường đại học đang đào tạo nhân lực ngành ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.
Dự kiến một Trung tâm Đào tạo Hạt nhân cũng sẽ được thành lập.
Giới chức nói qua kết quả thăm dò ý kiến người dân, "đại đa số" đều ủng hộ điện hạt nhân.
Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ đặt ở huyện Ninh Phước, với tổng diện tích chiếm đất trên đất liền là 540ha, cộng thêm 310ha diện tích mặt nước ngoài biển.
Nhà máy số hai đặt ở huyện Ninh Hải, với diện tích 556ha trên đất liền.
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) là chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Những người ủng hộ đề án nói rằng trong bối cảnh thiếu điện hiện tại, sản xuất điện hạt nhân là nhu cầu hợp lý.
Trong một dấu hiệu cho thấy nhiều người trong Quốc hội có vẻ đồng thuận, ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nói Việt Nam đủ năng lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Ông Vang cũng nói với báo Tiền Phong: "Để quản lý vận hành một nhà máy như vậy, người ta chỉ cần có 11 người, chẳng lẽ đất nước ta không tìm được 11 người có kỷ luật cao, có đủ trí tuệ để làm việc đó."
Ông nhận xét chỉ cần 32 tháng để đào tạo cán bộ và rằng "từ nay đến 2020, còn 12 năm nữa, không lẽ chúng ta lại không đào tạo được mấy trăm người."
Trong khi đó, ông Lê Tuấn Phong - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) - bảo vệ chủ trương xây bốn lò hạt nhân cùng lúc.
Ông Phong cho rằng "chỉ xây một lò về quy mô kinh tế là không hợp lý".
Ý kiến khác
Tuy vậy, có những ý kiến không đồng tình kế hoạch xây bốn lò hạt nhân một lúc.
GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, nói công khai trên báo rằng chỉ nên xây một lò trước.
Ông Hiển cáo buộc có những người muốn xây nhiều chỉ để "bán được nhà máy, sau đó sẽ tính tiếp!"
Lý do GS. Hiển đưa ra là Việt Nam không có đủ "người am hiểu, làm chủ được công nghệ phức tạp, lại có hệ thống luật pháp nghiêm minh, biết quản lý theo công nghiệp hiện đại".
GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cũng được dẫn lời cho rằng ít nhất 15 năm mới có thể đào tạo đủ nguồn nhân lực.
Sourcer: bbc.co.uk
No comments:
Post a Comment