Đó là tâm nguyện được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị Doanh nghiệp hai nước Lào - Việt Nam, vừa được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào nhằm nắm bắt những vướng mắc và tìm biện pháp tháo gỡ trong hoạt động đầu tư giữa hai nước, đặc biệt là đầu tư của Việt Nam tại Lào.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã giao cho hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư của hai nước rà soát lại những vấn đề liên quan đến quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời đối với từng dự án cụ thể. Hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ duy trì cơ chế trao đổi thường xuyên để phối hợp tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư.
Tại Hội nghị nêu trên, ông Humpheng Tulalay, Cục trưởng Cục Xúc tiến và Quản lý đầu tư trong nước và nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết, số lượng dự án của Việt Nam xin phép đầu tư tại Lào tăng liên tục trong thời gian qua. Các dự án của Việt Nam đầu tư tại Lào thuộc nhiều lĩnh vực, với quy mô đa dạng, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, khai khoáng. Gần đây, lĩnh vực du lịch thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam, sau khi lượng khách du lịch quốc tế đến Lào tăng mạnh (1,8 triệu lượt người trong năm 2007).
Theo ông Humpheng Tulalay, đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có đóng góp cho Ngân sách Nhà nước Lào, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho nhân dân, góp phần phát triển các địa phương và phát triển kinh tế của nước Lào nói chung. Hiện nay, Chính phủ Lào đang xem xét 24 dự án, chủ yếu tập trung vào các ngành nông nghiệp, khai khoáng, năng lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh các dự án triển khai có hiệu quả, một số nhà đầu tư của Việt Nam tại Lào chưa thực hiện dự án đúng tiến độ như đã thỏa thuận, một số dự án đã được cấp phép mà chưa triển khai thực hiện, có trường hợp chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ ba. Một số nhà đầu tư chưa phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của Lào, ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp có một số dự án chưa có hợp đồng đã tiến hành khai hoang. Việc bảo vệ môi trường của nhiều dự án chưa được thực hiện như đã thỏa thuận, nhất là các dự án trong lĩnh vực khai khoáng.
Để khắc phục những nhược điểm đó, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào nghiêm túc chấp hành luật pháp của nước bạn, phải thực hiện đúng cam kết và làm tròn trách nhiệm của nhà đầu tư, tuân thủ nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Về phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã nêu ra một số khó khăn trong hoạt động đầu tư tại Lào, nhất là về thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư và khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Về môi trường đầu tư tại Lào, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh giá là chưa hoàn chỉnh về luật pháp, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu hệ thống tra cứu thông tin, chính sách hay thay đổi, vận dụng chính sách không thống nhất.
Thủ tục cấp phép đầu tư nước ngoài tại Lào được nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận xét là còn chậm, chưa thống nhất được quy trình thủ tục xem xét dự án. Nhiều nhà đầu tư Việt Nam tại Lào cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, thủ tục cấp đất, ký hợp đồng thuê đất không rõ ràng, không thống nhất, khiến việc giao nhận đất bị chậm. Việc khống chế tỷ lệ lao động nước ngoài ở mức 10% là ít, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong một số giai đoạn thực hiện dự án.
Thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, giấy phép lưu trú còn phức tạp, chi phí làm các loại giấy phép này cao. Chính sách thuế chưa thống nhất, có hiện tượng đánh thuế trùng. Trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa thiết bị, thủ tục hải quan còn nhiều rườm rà. Quy định của các cửa khẩu chưa thống nhất...
Các nhà lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã lắng nghe và chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Sulivong Dalavong cho biết, Lào đang xây dựng và sửa đổi luật pháp theo hướng rõ ràng hơn, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông xác nhận là có dư luận cho rằng Luật Khoáng sản hiện hành của Lào trao quyền cho cán bộ nhà nước nhiều quá.
Bộ trưởng Sulivong Dalavong thừa nhận rằng, Lào chưa có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông, trong giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư cần bàn bạc kỹ với chính quyền các địa phương. Quan điểm của Chính phủ Lào là nhà đầu tư có trách nhiệm tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phụ của dự án.
Phạm Thanh Source: vir.com.vn
|
No comments:
Post a Comment