Theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thì đối với loại "bia cỏ", quy trình sản xuất đáng lẽ ra phải để khoảng 15 ngày, các độc tố mới hết, nhưng vì chạy theo lợi nhuận, chỉ khoảng 10 ngày là nhà sản xuất lấy ra bán cho người tiêu dùng, nên nhiều loại "bia cỏ" vẫn còn độc tố tồn dư.
Trên thực tế nhiều cơ sở sản xuất bia tư nhân không tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, thậm chí nhiều cơ sở còn pha thêm hóa chất để tăng nồng độ của bia dẫn đến hiện tượng nhiều loại bia có hóa chất tồn dư (andehyt, rượu bậc cao...) vượt quá nồng độ cho phép, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người uống.
Ngoài ra, hàm lượng diacetil vượt quá 0,2 diacetil/ml có thể gây đau đầu cho người tiêu dùng... Những thông tin này khiến chúng ta không khỏi giật mình về tình trạng "bia cỏ" tràn lan các quán nhậu hiện nay.
Hàm lượng diacetil cao
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội thì hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 60 cơ sở sản xuất bia cỏ với hàng nghìn quán nhậu có pha "bia cỏ".
Theo cách nói vui của một cán bộ thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì, mỗi một tuyến phố trung bình có 5 quán nhậu bia, cứ đếm thành phố có bao nhiêu đường phố rồi nhân lên thì ra số quán nhậu... Vào mùa hè, hàng ngàn quán bia lớn nhỏ mọc lên như nấm, kinh doanh đủ các loại bia, từ bia đắt tiền đến "bia cỏ", thượng đế đủ các tầng lớp từ người lao động đến cán bộ, viên chức.
Giá cả chung ở những quán bia cũng “linh hoạt” từ "bia cỏ" thông thường khoảng 2.000 - 2.500 đồng /cốc; bia Việt Hà giá từ 3.500 - 4.000 đồng /cốc và bia hơi Hà Nội giá dao động từ 6.000 đến 6.500 đồng /cốc...
Chúng tôi đã có dịp hỏi nhiều người hay uống bia, họ đều khẳng định, để tìm được quán nhậu có bia xịn 100% ở Hà Nội chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có đủ lượng bia phục vụ các “thượng đế” trong những ngày nắng nóng, việc pha trộn giữa bia xịn với các loại "bia cỏ" với nhau ở các quán nhậu diễn ra phổ biến. Nếu pha với bia có chút ít tên tuổi, đảm bảo vệ sinh còn đỡ chứ pha với bia cỏ sản xuất công nghệ thủ công thì ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ.
Trong một đợt kiểm tra vệ sinh ATTP, ông Hoàng Thủy Tiến - Phó cục trưởng Cục Vệ sinh ATTP (Bộ Y tế) cho biết: Tùy theo uy tín của quán mà tỷ lệ pha bia có thể là 50/50 hay 60/40. ông cũng thừa nhận tình trạng nhập nhèm, pha bia xịn với "bia cỏ" diễn ra khá phổ biến tại các quán nhậu. Theo ông Tiến, tuỳ vào thực khách quen hay lạ mà chủ quán bia rót bia chính hãng cho khách uống vài cốc đầu, sau đó khi “thượng đế” bị ngấm bia thì họ pha thêm bia cỏ - bia gia công vào để bán kiếm lời...
Và như vậy, mỗi cốc bia chủ quán nhậu lãi thêm từ 2.000 đến 3.000 đồng/cốc. Việc làm thất đức này không những làm ảnh hưởng đến chất lượng của bia mà có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, nhẹ thì đau đầu, tiêu chảy, nặng hơn thì ngộ độc...
"Đột kích” xưởng "bia cỏ"
Trong vai người mới mở quán bia, đi tìm mối đặt bia cỏ về bán, chúng tôi đột nhập vào một xưởng sản xuất bia tư nhân tại địa bàn xã Phùng Khoang (Từ Liêm, HN). Cơ sở này nằm ẩn mình khá sâu trong một ngõ ngách nhỏ cuối làng Phùng Khoang, cạnh khu vực hồ cá và treo biển “Không phận sự miễn vào”.
Chúng tôi liều mình thử gọi cửa, một thanh niên chừng 24 tuổi, cởi trần ghé đầu qua cổng hất hàm hỏi: "Các ông tìm ai đấy?”. “Chúng tôi muốn đặt mua bia ở đây về bán. Xưởng mình có đặt sản xuất theo nhu cầu không?” - Với ánh mắt dò xét, chúng tôi phải giải thích mãi mới được anh này mở cửa cho vào. Anh thanh niên này cho biết: "Ban ngày, chủ dặn là phải đóng kín cửa khi có ô tô vào chở bia mới mở ra".
May mắn, được “mục sở thị” một cơ sở sản xuất “bia cỏ” chúng tôi mới “vãi linh hồn” vì cơ sở xập xệ. Diện tích rộng chừng 100m2 mà nguyên liệu chế biến bia, bã bia vứt la liệt, ruồi nhặng bay vo ve... Thoạt nhìn cơ sở này không có bể chứa và các biện pháp xử lý nước thải, tất cả nước thải được xả trực tiếp ra môi trường xung quanh.
Mặt bằng sản xuất không đảm bảo vệ sinh, các thiết bị được sắp xếp ngổn ngang, hệ thống cống thoát không đảm bảo việc thoát nước thải.... Hệ thống máy móc, dây chuyền vận hành, sản xuất bia của cơ sở này đã cũ nát, nhiều thiết bị đều hoen rỉ, quá “đát” và đều tự chế... được chủ tận dụng để sản xuất.
Việc tái sử dụng vỏ bom, vỏ chai đựng bia ở cơ sở này cũng không đảm bảo vệ sinh, không có hệ thống xúc rửa chai, lọ theo quy định, thậm chí có chai nhựa đựng hoá chất, xăng dầu... cũng chỉ rửa qua loa, rồi rót bia vào tung ra quán nhậu bán cho người tiêu dùng...
Mùi chua, hôi bốc ra từ các thùng phi đựng men bia, được bao quanh bởi ruồi, nhặng... cùng với đó là hàng trăm lít bia hơi đựng trong những thùng phi nhựa cáu bẩn đang nổi lớp bọt có màu cáu vàng. Công nhân sản xuất bia ở đây không được đào tạo vận hành dây chuyền sản xuất bia, trang bị trang phục theo đúng các quy định như: Găng tay, quần áo bảo hộ...
Chúng tôi còn tận mắt chứng kiến một số công nhân thoăn thoắt dùng chân tay ngoáy trong các thùng bia... Trong quá trình sang, rót bia ra bom, vỏ chai nhựa, lượng bia rơi vãi tại nền xưởng đều được thu gom, và “tái chế” thành bia mới. Trên thực tế, mỗi ngày có hàng nghìn lít “bia cỏ” từ các cơ sở sản xuất bia tư nhân kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh được tung đến các quán nhậu.
Lấy cớ là ngày mai quay lại, chúng tôi đánh “bài chuồn”, anh thanh niên mở cửa ra và nói với theo: "Các anh nhớ mai quay lại nhé, cơ sở của em hàng ngày “đánh” hàng chục chuyến ô tô chở bia vào tiêu thụ khắp TP. Nhiều khách đặt hàng lắm! Ngày cao điểm cơ sở em sản xuất này bán ra thị trường Hà Nội không dưới 50 ô tô bia, công nhân tụi em làm cật lực mới đáp ứng đủ đơn đặt hàng đấy!”.
Thời gian vừa rồi, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bia hơi trên địa bàn, tập trung vào kiểm tra nguồn gốc, VSATTP và độ cồn của bia theo tiêu chuẩn quy định. Những cơ sở bia nào vượt quá ngưỡng 0,2 diacetil/ml sẽ bị xử lý, lập biên bản xử phạt, đình chỉ kinh doanh.
No comments:
Post a Comment